• Đàn bà và “giới tính hạng hai”

    Phụ nữ ngày nay đã sung sướng, có mất quyền lợi gì đâu mà cứ phải đòi?

    Năm 1989, Việt Nam dần chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không khí thi đua hừng hực khắp nơi ở mọi lĩnh vực trong sản xuất và đời sống. Lúc bấy giờ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” dành cho lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động. Phong trào này đúng như tên gọi, nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng mà nữ giới cần đảm nhận: vừa tích cực tham gia lao động sản xuất để đất nước phát triển, vừa chu toàn “thiên chức” làm mẹ, làm vợ, làm dâu.

    Trải qua nhiều biến động thời cuộc, phong trào này vẫn được liên tục phát động dù chỉ còn mang nặng ý nghĩa hình thức. Chị em cán bộ, công chức thi thố với nhau trong cơ quan, giữa các cơ quan, rồi tổng kết thành tích trong năm cùng nhau. Những mỹ từ “hiệu quả”, “phát huy tốt”, “lan tỏa”, “đẩy mạnh”, “nâng cao vị thế”, v.v. được sử dụng trong các báo cáo về “phụ nữ 2 giỏi”, bất chấp nhận thức của xã hội về bình đẳng giới đã tăng cao, cũng như không ít phản biệnquan điểm đặt ra về phong trào này. Ngày nay, câu nói “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã đi sâu vào cuộc sống, vô hình trung tạo nhiều áp lực, gây nên gánh nặng, đặt ra giới hạn cho phụ nữ và góp phần gây bất bình đẳng giới tính sâu sắc.

    Vậy phụ nữ ngày nay có thật sự khổ không, hay sướng quá hóa rồ lại đòi quyền lợi? Báo Đại biểu nhân dân dẫn nguồn từ “Số liệu điều tra Lao động, Việc làm năm 2018” của Tổng cục Thống kê, cho thấy “một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì ‘lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình’, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này.”

    Bài viết còn chỉ ra “phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này.” Đáng chú ý, gần 1/5 nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.

    Trong bức tường cao do nam giới dựng lên – hay nói đúng hơn là do xã hội phụ quyền xây đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử – người phụ nữ được ăn sung mặc sướng, chỉ mỗi việc lo cho chồng rồi chăm cho con, do đó chẳng bị mất quyền gì để mà phải đòi. Tuy vậy, đó là một dạng tự do trong khuôn khổ, một kiểu ý thức xã hội cần phải bỏ đi, bởi vì khuôn là khổ.

    Nhà triết học và nhà hoạt động nữ quyền Simone de Beauvoir người Pháp đã trả lời câu hỏi “phụ nữ mất quyền gì mà đòi?” bằng việc vạch trần cái cách mà phụ nữ bị áp đặt vào khuôn mẫu giới tính thật chặt chẽ. Trong tác phẩm “The Second Sex” (tạm dịch: Giới tính hạng hai, hay Đệ nhị giới) xuất bản năm 1949 của mình, bà đã kết hợp tư tưởng hiện sinh với phân tích xã hội học để phê phán sâu sắc về cấu trúc xã hội, từ đó kêu gọi mạnh mẽ về giải phóng và tự do cho phụ nữ.

    Cuốn sách đặt nền móng trên ý tưởng rằng phụ nữ luôn bị xếp vào vị thế “khác biệt” (người khác) so với đàn ông, còn đàn ông là những người chuẩn mực của xã hội. Beauvoir viết trong sách: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ,” để tách “phụ nữ” khỏi “giống cái”, tức là nhấn mạnh rằng giới tính không phải bản chất tự nhiên của sinh học mà là kết quả từ những áp lực xã hội và nền giáo dục. Câu nói mạnh mẽ này về sau trở thành một nguyên lý cốt lõi của nữ quyền, chỉ ra rằng giới tính là sản phẩm của xã hội chứ không phải là một đặc điểm tự nhiên.

    Beauvoir chia tác phẩm thành hai phần lớn gồm Facts and Myths (Sự thật và huyền thoại) cùng Lived Experience (Trải nghiệm sống). Trong phần đầu, bà nghiên cứu về những huyền thoại về phụ nữ từ góc nhìn của văn học, triết học, và phân tâm học, chỉ ra rằng các định nghĩa về phụ nữ thường được xây dựng dựa trên định kiến của nam giới. Bà phê phán những quan điểm của các triết gia như Aristotle, Hegel, và Freud, cho rằng các quan điểm này đã làm giảm đi giá trị của phụ nữ.

    Simone de Beauvoir viết rằng hình ảnh người mẹ hiền đã khiến “phụ nữ” gắn liền với cơ thể của chính họ, tạo điều kiện cho đàn ông thống trị họ. Sự thống trị này được Beauvoir cho rằng đã bắt đầu từ các bức tượng nữ thần ở Susa (thuộc Iran ngày nay) và tiếp tục qua quan điểm của Pythagoras “nguyên tắc tốt tạo ra trật tự, ánh sáng, và đàn ông và nguyên tắc xấu tạo ra hỗn loạn, bóng tối, và phụ nữ”. Tại Hy Lạp cổ đại, phụ nữ gần như bị coi như nô lệ, ngoại trừ Sparta. Ở Rome, phụ nữ có nhiều quyền hơn nhưng vẫn bị phân biệt giới tính, chỉ có tự do rỗng tuếch. Về Kitô giáo, Beauvoir cho rằng tôn giáo này và các giáo sĩ đã khiến phụ nữ phụ thuộc.

    Vào thế kỷ 19, tình trạng pháp lý của phụ nữ không thay đổi nhiều so với trước đó, song công chúa nước Pháp là Marguerite xứ Angoulême vẫn đạt được nhiều thành tựu trong văn học. Beauvoir chỉ trích Bộ luật Dân sự Pháp của Napoléon, kể về nhà triết học Pierre-Joseph Proudhon là một người chống nữ quyền. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lúc này đã trao cơ hội cho phụ nữ được ra ngoài nhưng với mức lương rất thấp. Công đoàn xuất hiện và phát triển nhanh chóng nhưng ít chứng kiến sự tham gia của phụ nữ, người ta cũng xem xét kiểm soát sinh sản và quyền bầu cử của phụ nữ. Bà dẫn chứng những phụ nữ như nhà triết học Rosa Luxemburg và nhà khoa học Marie Curie cùng là người Ba Lan chứng minh rằng “không phải sự kém cỏi của phụ nữ khiến họ ít quan trọng trong lịch sử, mà chính sự ít quan trọng đó đã khiến họ rơi vào tình trạng kém cỏi”.

    Xã hội phát triển vượt bậc khi loài người đi đến đầu thế kỷ 20, song phụ nữ vẫn không có chỗ đứng đáng kể như đàn ông. Từ những năm này, người ta đã có nhiều định kiến sâu nặng về phụ nữ như là “một nỗi thất vọng vô tận” (everlasting disappointment). Bài viết trên Tạp chí Y học Anh năm 1878 của Hiệp hội Y khoa Anh đã viết: “Một sự thật không thể chối cãi rằng thịt sẽ bị hư khi phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt đụng vào.” Câu nói, thơ, văn, kịch, và các tác phẩm nghệ thuật khác của André Breton, Léopold Sédar Senghor, Michel Leiris, hay William Shakespeare bao hàm sự phân biệt giới tính nặng nề.

    Beauvoir khép lại phần đầu của sách bằng kết luận đàn ông xem phụ nữ là một “bí ẩn” (mystery) trong gần như xuyên suốt lịch sử. Đây là cái nhìn không chỉ liên quan đến giới tính mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, như cái nhìn của chủ nô với nô lệ hoặc bất kỳ ai bị áp bức. Về sau này khi đàn ông xem phụ nữ ngang hàng thì cái nhìn này mới dần biến mất. Tác giả dẫn lời của nhà thơ Arthur Rimbaud rằng “hy vọng một ngày nào đó phụ nữ sẽ trở thành con người hoàn toàn khi được đàn ông trao cho tự do”.

    Ngày nay chúng ta có khái niệm “male gaze” (cái nhìn của nam giới) để chỉ việc này. Nhà nghiên cứu phim Laura Mulvey đã đặt ra cụm từ này trong một nghiên cứu vào năm 1975, qua đó miêu tả cách mà các phim điện ảnh lúc bấy giờ được xây dựng từ góc nhìn của một khán giả nam giới, khiến phụ nữ bị vật thể hóa (objectified), bị xem như là những đối tượng để thỏa mãn ánh nhìn của đàn ông – chẳng hạn phải gợi cảm, quyến rũ, trở thành người bị động biết nghe lời – thay vì được công nhận như những con người độc lập có giá trị riêng.

    Ở phần thứ hai của cuốn sách, Simone de Beauvoir chuyển sang phân tích cuộc sống của phụ nữ từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, tập trung vào cách các yếu tố như hôn nhân, làm mẹ, và trách nhiệm gia đình, qua đó tạo nên các giới hạn vô hình cho phụ nữ. Theo tác giả, hôn nhân vừa là nơi an toàn nhưng cũng là sự lệ thuộc, khiến cho phụ nữ phải từ bỏ một phần tự do cá nhân để đảm bảo sự ổn định.

    Beauvoir nhận xét rằng việc xã hội và đạo đức kỳ vọng hai vợ chồng phải làm hài lòng nhau về tình dục suốt đời là phi lý. Bà cũng thấy công việc nhà của phụ nữ sau khi kết hôn như dọn dẹp, giặt giũ, v.v. là “giữ cái chết ở xa nhưng cũng là từ chối sự sống trước mắt”, và cho rằng sự phân chia công việc không cân bằng khiến người phụ nữ hoàn toàn bị đẩy vào vai trò thứ yếu. Theo bà, người phụ nữ chỉ tìm được phẩm giá khi chấp nhận vị trí tôi-tớ qua “phục vụ” trên giường và việc nhà.

    Qua trải nghiệm và quan sát thực tế, tác giả thấy rằng vợ chồng chỉ tồn tại trong “tình yêu hôn nhân” thay vì tình yêu thật sự. Bà cho rằng hôn nhân gần như luôn hủy hoại người phụ nữ, rằng hôn nhân là một nơi giam cầm. Sau cùng, bà kết luận hôn nhân là một thể chế áp bức cả đàn ông lẫn phụ nữ.

    Cuốn sách “The Second Sex” nhận sự ảnh hưởng sâu sắc từ triết học hiện sinh, đặc biệt là ý tưởng rằng con người có trách nhiệm trong việc tạo dựng ý nghĩa cho cuộc đời mình. Theo tác giả, những kỳ vọng xã hội thường buộc phụ nữ vào các vai trò thụ động và lệ thuộc vào đàn ông về mặt tài chính lẫn xã hội. Quan điểm hiện sinh của bà khuyến khích phụ nữ từ chối những vai trò áp đặt này và tìm kiếm sự tự do thông qua việc sống cuộc đời của riêng mình.

    Trong tác phẩm, Beauvoir nhấn mạnh rằng sự giải phóng thật sự chỉ có thể đến khi phụ nữ có được độc lập kinh tế, tự chủ về quyền sinh sản, cũng như là các mối quan hệ không còn dựa trên sự bất bình đẳng. Dù nhận thức được những thay đổi về pháp luật đã đạt được ở một số quốc gia, bà vẫn cho rằng sự thay đổi phải đến từ nhận thức cá nhân và xã hội, để từ đó tạo nên một thế giới bình đẳng hơn.

    Văn phong của Simone de Beauvoir trong “The Second Sex” nặng tính triết lý nhưng không kém phần sống động, với những ẩn dụ và so sánh làm rõ ràng hơn cách mà xã hội áp đặt vai trò giới lên phụ nữ. Bà ví sự lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông như một hình thức thờ phượng tôn giáo, chỉ ra rằng phụ nữ vừa bị xem là thiêng liêng nhưng cũng vừa bị ràng buộc trong những chuẩn mực cứng nhắc. Mâu thuẫn này là một trong những điểm nổi bật trong phê phán của Beauvoir về hệ thống gia trưởng.

    Khi xuất bản lần đầu, “The Second Sex” đã nhận nhiều phản ứng trái chiều vì tác phẩm đề cập thẳng thắn đến vấn đề tình dục của phụ nữ và đặt thách thức cho vai trò giới tính truyền thống. Ngày nay, tác phẩm được coi là nền tảng của lý thuyết nữ quyền hiện đại, có sức ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi triết học mà còn mở rộng sang xã hội học, tâm lý học. Triết lý hiện sinh của Beauvoir khuyến khích mỗi cá nhân nhìn nhận lại các chuẩn mực xã hội, từ đó tạo ra nền tảng cho các phân tích về quyền lực và áp bức.

    Cuốn sách của Beauvoir là một trong những tác phẩm nữ quyền đầu tiên và mở đường cho làn sóng nữ quyền thứ hai vào thập niên 1960 và 1970. Phong trào nữ quyền trong thời gian này nhờ ảnh hưởng từ “The Second Sex” đã tập trung vào việc giành quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục đến việc làm. Nhiều nhà hoạt động nữ quyền như Betty Friedan và Gloria Steinem đã nhận được cảm hứng từ tác phẩm này trong việc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ tại Hoa Kỳ.

    Cách tiếp cận của Beauvoir về việc tách rời “phụ nữ” khỏi “giống cái” đã ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng sau này, như nhà triết học Judith Butler. Butler đã mở rộng khái niệm của Beauvoir để hình thành lý thuyết “performativity” (trình diễn giới), cho rằng giới tính là một vai diễn do xã hội áp đặt và cá nhân thực hiện.

    Mandy Merck, nhà phê bình văn học và lý thuyết gia nữ quyền, nhìn nhận Beauvoir đã dám gỡ bỏ những huyền thoại về phụ nữ trong các tác phẩm văn học và tôn giáo trước đây, giúp độc giả nhận ra sự bất công mà phụ nữ phải chịu đựng trong suốt chiều dài lịch sử. Sự phân tích này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của phê bình nữ quyền mà còn mở đường cho việc phá vỡ những định kiến vốn được xem là chân lý hiển nhiên.

    Ở thời buổi hiện tại, những phân tích sâu sắc của bà vẫn không lỗi thời vì bất bình đẳng giới tính không chỉ không biến mất mà còn ẩn mình khéo léo dưới nhiều vỏ bọc hào nhoáng, cũng như các cơ chế áp đặt và kiểm soát phụ nữ ngày càng tinh vi và ít nhận ra hơn. Phụ nữ hiện đại dám vượt ra khỏi các chuẩn mực khi chọn sống độc thân hay không sinh con chắc chắn sẽ nhận ánh nhìn phán xét và sự áp đặt từ mọi người. Đây là một trong những ví dụ rõ ràng về sự cần thiết của việc đấu tranh, để phụ nữ được tự do lựa chọn cuộc sống của mình mà không nhận lấy áp lực từ xã hội.

    Sau khi đọc xong tác phẩm, bạn đọc chắc chắn sẽ trả lời được câu hỏi phụ nữ có mất quyền gì đâu mà cứ phải đi đòi quyền? Đấu tranh nữ quyền không chỉ là vì phụ nữ, mà còn vì lợi ích chung của cộng đồng, qua đó tiến đến lý tưởng bình đẳng và một xã hội công bằng.

    Bài: Tín Fong.

    Bản quyền ảnh: Hauser & Wirth.

    Bài được đăng lần đầu tại Luật Khoa.

  • Đã 50 năm. Tôi không còn là “Em bé Napalm” nữa.

    Những người sống sót trong ảnh mà đặc biệt là trẻ em, vẫn phải tiếp tục cuộc đời. Chúng tôi không phải là biểu tượng. Chúng tôi là con người.

    Viết bởi Kim Phuc Phan Thi

    Người sáng lập Kim Foundation International, tổ chức chuyên hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của chiến tranh trên khắp thế giới.


    Tôi lớn lên ở Trảng Bàng, một ngôi làng nhỏ tại miền Nam Việt Nam. Mẹ nói tôi là một cô bé luôn tươi cười. Mẹ con tôi sống đơn giản, không lo thiếu ăn vì gia đình có trang trại và mẹ có một quán ăn đông khách trong phố. Tôi luôn nhớ về ngôi trường ngày ấy, khi tôi chơi đùa với anh chị em họ của mình và những đứa trẻ khác trong xóm, chúng tôi nhảy dây, rượt đuổi nhau vui vẻ.

    Mọi chuyện thay đổi sau ngày 8 tháng 7 năm 1972. Tôi luôn nhớ về ngày kinh hoàng đó. Tôi đang chơi với anh chị em ở sân chùa thì một chiếc máy bay lao xuống sát gần, tạo ra âm thanh chói tai. Ngay sau đó là hàng loạt vụ nổ, khói mịt mù và những cơn đau dữ dội. Hồi này tôi mới 9 tuổi.

    Bom napalm dính vào người cho dù tôi có chạy nhanh đến đâu, gây bỏng nặng và đau đớn kinh hoàng kéo dài đến suốt đời. Tôi không nhớ mình đã chạy và hét lên “Nóng quá, nóng quá!” nhưng những thước phim và lời kể của mọi người cho thấy tôi đã làm như vậy.

    Chắc hẳn bạn đã xem ảnh chụp tôi vào ngày đó – một đứa trẻ khỏa thân với cánh tay dang rộng, hét lên trong đau đớn, đang chạy trốn khỏi vụ nổ cùng nhiều người khác. Tấm hình được chụp bởi Nick Ut, phóng viên ảnh của Associated Press, ảnh xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo khắp thế giới lúc bấy giờ và giành được Giải thưởng Pulitzer, trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến ở Việt Nam.

    Nick đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi với bức ảnh đó. Không chỉ chụp ảnh, ông còn cứu mạng tôi. Sau khi chụp xong, ông đặt máy ảnh xuống, quấn tôi trong một chiếc chăn rồi đưa đi sơ cứu. Tôi luôn biết ơn điều đó.

    Tuy vậy, đôi lúc tôi cũng ghét ông ấy. Tôi lớn lên và ghét bức ảnh đó. Tôi tự nghĩ, “Tôi là một đứa bé và đang khỏa thân, tại sao ông lại chụp? Cha mẹ sao không bảo vệ tôi? Sao ông lại in bức ảnh đó? Tại sao tôi là đứa trẻ trần truồng duy nhất trong khi các anh chị em tôi vẫn mặc quần áo?” Tôi cảm thấy xấu xí và xấu hổ.

    Lớn lên, đôi khi tôi ước mình biến mất, không chỉ vì vết thương và sẹo ở một phần ba cơ thể do bom mìn gây ra tạo nên cơn đau dữ dội dai dẳng, mà còn vì xấu hổ về sự xuất hiện của chính mình vào lúc đấy. Tôi lo lắng khủng khiếp và rơi vào trầm cảm. Bạn bè trong lớp tránh xa tôi. Tôi trở thành một nhân vật đáng thương hại đối với hàng xóm và ở một mức độ nhất định với chính cha mẹ mình. Càng lớn hơn, tôi càng sợ sẽ không có ai yêu thương mình nữa.

    Trong khi đó, bức ảnh ngày càng trở nên nổi tiếng, khiến cuộc sống riêng tư và tình cảm của tôi trở nên khó khăn hơn. Từ những năm 1980, tôi đã trả lời vô số cuộc phỏng vấn của báo chí, các cuộc gặp với hoàng gia, các thủ tướng hay nhiều nguyên thủ quốc gia khác, tất cả họ đều muốn tìm ra ý nghĩa nào đó trong tấm hình, muốn biết về trải nghiệm của tôi. Đứa trẻ chạy trên phố trở thành biểu tượng cho sự tàn khốc của chiến tranh. Con người thật của tôi nhìn ra bên ngoài từ trong bóng tối, sợ rằng tôi sẽ vô tình để lộ ra bản chất dễ tổn thương của mình.

    Bà Kim Phuc nay đi khắp thế giới, hỗ trợ y tế và tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của những cuộc chiến tranh. Ảnh chụp bởi May Truong cho The New York Times.
    Bà Kim Phuc nay đi khắp thế giới, hỗ trợ y tế và tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của những cuộc chiến tranh. Ảnh chụp bởi May Truong cho The New York Times.

    Những bức ảnh chỉ ghi lại đúng khoảnh khắc đó, nhưng người sống sót trong ảnh mà đặc biệt là trẻ em, vẫn phải tiếp tục cuộc đời. Chúng tôi không phải là biểu tượng. Chúng tôi là con người. Chúng tôi phải đi tìm việc để làm, người để yêu, cộng đồng để đón nhận mình và những nơi để học hỏi, để được nuôi dưỡng.

    Chỉ đến khi trưởng thành và sống tại Canada, tôi mới bắt đầu tìm thấy sự bình yên và nhận ra sứ mệnh của mình cho cuộc sống này, với sự giúp đỡ từ niềm tin, từ chồng và bạn bè. Tôi được hỗ trợ để tạo nên một quỹ và bắt đầu đi đến các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, tìm trẻ em là nạn nhân của cuộc chiến để hỗ trợ y tế và tâm lý, tôi hy vọng điều này sẽ mang đến cho tôi niềm tin về những thứ tôi có thể làm được.

    Tôi hiểu cảm giác khi ngôi làng của bạn bị đánh bom, ngôi nhà bạn bị tàn phá, khi thấy người nhà bỏ mạng và xác người dân vô tội nằm trên đường. Đây là những nỗi kinh hoàng từ cuộc chiến ở Việt Nam, đáng buồn thay, chúng cũng là hình ảnh của các cuộc chiến tranh ở khắp nơi, những sinh mạng quý giá bị tước mất, và hiện nay tại Ukraine.

    Theo một cách nghĩ khác, đây cũng là nỗi kinh hoàng từ các vụ xả súng trong trường học. Chúng ta có thể không nhìn thấy các thi thể như những cuộc chiến tranh trên thế giới, nhưng những vụ việc này tàn khốc không khác gì một cuộc chiến. Việc ta chia sẻ hình ảnh trẻ em bị tàn sát rất khó mà chịu đựng được, nhưng ta cũng nên đối đầu với việc đó. Việc che giấu thực tế của chiến tranh sẽ dễ dàng biết bao nếu ta không thấy được hậu quả.

    Tôi không thể nói thay cho các gia đình tại Uvalde, Texas, nhưng tôi nghĩ việc cho thế giới thấy hậu quả của một cuộc bạo loạn bằng súng đem đến một thực tế khủng khiếp như thế nào. Chúng ta phải đối mặt trực tiếp với bạo lực và đây là bước đi đầu tiên để xem xét về nó.

    Tôi đã mang hậu quả của chiến tranh trên cơ thể mình, tôi không thể lớn lên mà không có các vết sẹo – cả về thể chất hay tinh thần được. Giờ đây, tôi rất biết ơn sức mạnh của bức ảnh chụp tôi hồi 9 tuổi, cũng như cuộc hành trình mà tôi đã trải qua như một con người. Nỗi kinh hoàng của tôi giờ đã trở nên phổ biến. Tôi tự hào rằng mình đã trở thành biểu tượng của hòa bình. Tôi đã mất một thời gian dài để đón nhận điều đó với tư cách là một con người. Tôi có thể nói, 50 năm đã qua, tôi cảm ơn ông Nick vì chụp lại khoảnh khắc ấy bất chấp mọi khó khăn mà bức ảnh đã gây ra cho tôi.

    Bức ảnh sẽ luôn là lời nhắc về sự xấu xa mà loài người có thể gây ra. Tuy vậy, tôi tin rằng hòa bình, tình yêu, hy vọng và sự thứ tha sẽ luôn mạnh mẽ hơn bất cứ loại vũ khí nào.

    Bài dịch: Quang Niên.

    Bài gốc được đăng tại The New York Times.

  • Từ London đến Nữu Ước.

    London và New York là hai thành phố lớn, lớn tới độ người Việt có hàng tá tên gọi cho chúng.

    Miền Nam và miền Bắc có nhiều cách gọi tên khác nhau cho chúng (cũng như nhiều nơi khác), giúp dẫn tới hiện tượng này.

    Cách thứ nhất, nếu ta lấy tên theo âm Hán Việt, tức là đọc theo cách người Hán gọi tên các thành phố, ta có Luân Đôn (伦敦) và Nữu Ước (纽约). Tên Luân Đôn thì ai cũng biết rồi, nghe có vẻ sang nữa, nhưng Nữu Ước thì ít được gọi, hơi khó đọc và lạ lẫm, chủ yếu dùng ở miền Nam trước năm 1975.

    Cách thứ hai, đó là lấy tên theo phiên âm tiếng Anh của tên thành phố, New York sẽ là Niu-ióc. Tuy nhiên, London không ai đọc là Lênh-đênh hay Linh-đình cả, mà thật ra London phiên âm tiếng Anh cũng khá giống Luân Đôn (nhỉ?).

    Vậy còn thủ đô của Liên bang Nga thì sao? Trong tiếng Anh, thành phố này có tên Moscow nhưng chuyển tự tiếng Nga thì là Moskva (Москва). Vậy có hơi trêu chọc nhau không khi mà ta lại đọc tên tiếng Anh cho thành phố của Nga.

    Đối với ca này, chúng ta có Mát-xcơ-va đọc theo các đồng chí Sô Viết, Mạc Tư Khoa từ anh em láng giềng Hán và thậm chí Mót-xcô từ Anh (chắc là vậy?). Hay ho thay, đây là trường hợp hiếm hoi người Việt đọc bằng mồm theo người Nga, nhưng viết cùng lúc cả ba kiểu.

    Nếu đặt trong cùng một câu, ta sẽ có những trường hợp:

    Khu bưu chính nhắn, anh có thư gởi từ Mạc Tư Khoa, tiền cước mắc hơn Luân Đôn luôn.

    Cán bộ bưu điện gửi thư cho đồng chí đây, hẳn từ Mát-xcơ-va, thảo nào đắt khiếp, hơn cả Luân Đôn nữa.

    Nghe hơi ba rọi, dĩ nhiên rồi, vì tôi đâu có sống vào thời chiến tranh đâu mà nhái giọng cho chuẩn được. Ý tôi là, do hệ thống phiên âm trong tiếng Việt không nhất quán, nên tùy theo sự phổ biến của tên gọi một thành phố mà ta ứng biến thôi. Chắc là không sao cả nếu Pa-ri, Niu Di-lân nằm chung với Hoa Thịnh Đốn, Hương Cảng.

    Cách thứ hai này còn dẫn đến một tình trạng mà nếu nói theo kiểu nâng cao quan điểm thì đó là sự độc quyền của tiếng Anh, nâng thêm nữa thì e rằng có thể hủy diệt những ngôn ngữ không phải tiếng Anh (dĩ nhiên là không đâu, trời ơi). Chẳng hạn, thủ đô của Ba Lan là Warszawa và trong tiếng Anh là Warsaw, một thành phố của Đức là München và trong tiếng Anh là Munich.

    Ở một diễn biến khác, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên/Hàn Quốc là những quốc gia sử dụng Hán tự trong ngôn ngữ của mình. Hầu hết tên riêng của người, địa danh ở các nước đều được ghi bằng chữ Hán.

    Nói như vậy nghĩa là người Việt có thể đọc tên người, địa danh của Nhật, Hàn bằng âm Hán Việt. Lấy thí dụ, thành phố Tōkyō của Nhật Bản có Hán tự là Đông Kinh (東京), nghĩa là kinh đô phía đông. Ta không nói Đông Kinh, ta nói Tô-ki-ô.

    Tương tự với Seoul (서울), trước năm 2005 thành phố này có tên Hán tự là Hán Thành (漢城), giờ là Thủ Nhĩ (首爾). Ta gọi thủ đô Hàn Quốc là Xơ-un.

    Bên cạnh đó, tuy cùng nằm trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng ta gọi Pyongyang (평양) theo âm Hán. Ta gọi là Bình Nhưỡng (平壤), nghĩa là vùng đất bằng phẳng.

    Một điều thú vị là ba đời lãnh đạo tối cao của Triều Tiên trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của Việt Nam, dẫn đến việc chúng ta gọi vị đầu tiên là Kim Nhật Thành (金日成) thay vì Kim Il-sung (김일성), nhưng vị thứ nhì là Kim Jong-il (김정일) thay vì Kim Chính Nhật (金正日) và vị đương nhiệm là Kim Jong-un (김정은) thay vì Kim Chính Ân (金正恩).

    Vậy là “Trong một diễn biến mới nhất, Chủ tịch Kim Jong-un/Kim Châng Ưn từ Bình Nhưỡng đe dọa tấn công vũ lực với Seoul/Xơ-un, khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Washington/Oa-sinh-tơn/Hoa Thịnh Đốn hiện chưa đưa ra bình luận về sự việc này.”

    Cũng tương tự với Nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan là Thái Anh Văn (蔡英文/Tsai Ing-wen), Tổng thống Đại Hàn là Yoon Suk Yeol (윤석열/尹錫悅/Doãn Tích Duyệt) hay Thủ tướng Nhật Bản là Kishida Fumio (岸田 文雄/きしだ ふみお/Ngạn Điền Văn Hùng) – cập nhật đương nhiệm lần cuối vào 5/2023.

    Tiếng Việt dùng cùng lúc nhiều cách phiên âm gây cồng kềnh và không nhất quán, tuy nhiên về mặt tích cực mà nói, ta có thêm từ để sử dụng, giúp tránh lặp từ trong câu (đó là nếu bạn muốn dùng).