Khi tôi chết, vui lòng đừng có mà viếng thăm.

Khi chết cũng như khi sống, điều tối kỵ tôi luôn muốn tránh né đó là việc mình trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Thử nghĩ mà xem, vào ngày tôi đi lại là ngày tôi được bàn tán nhiều nhất — có lẽ là trong cả đời mình. Vậy sinh thời tôi đã quá nhạt nhòa tới nỗi người ta chỉ nhắc tới khi tôi không còn tồn tại sao?

Thứ nhất, tuyệt đối không có khách dù được mời hay tự đến. Những người xuất hiện tại đám ma – mà tôi cũng không gọi đó là đám ma, khả năng cao chỉ có luật sư tôi thuê từ trước để đảm bảo ước nguyện được thực hiện đúng mà cụ thể ở đây là xua đuổi bất cứ ai bén mảng đến gần, bên cạnh đó dĩ nhiên không thể thiếu dịch vụ mai táng để đặt tôi vào vùng an toàn sau cuối mà tôi không phải khó nhằn bước ra nữa.

Thứ nhị, tuyệt đối không một ai được biết rằng tôi vừa ngỏm, trừ những sự lì lợm và cố ý lan truyền thông tin mà tôi đã không còn kiểm soát được nữa. Ôi tôi lo xa vậy thôi, chứ khéo mười năm trước lúc lìa đời cũng chẳng còn ai biết tôi là ai. Nếu được như vậy thì quá tốt, tôi không muốn bất kỳ ai biết được tình trạng sinh tử của mình. Chuyện sống còn của một người, biết để làm gì chứ?

Thứ tam, tuyệt đối không có một âm thanh bất bình thường nào được phát ra, không có một sự kiện bất bình thường nào được diễn ra. Dĩ nhiên rồi, tôi đã không muốn ai biết mình tèo, thì kèn trống hay lẵng hoa để làm gì, để đánh động những con người hiếu kỳ trước sự mất mát của tôi phỏng? 

Điều thứ ba nghe hơi thừa vì nó đã được bao hàm ở hai điều trên, song tôi vẫn muốn liệt kê ra vì tôi cực kỳ chán ghét cái thói làm ồn ào của mọi đám tiệc tại xứ sở này. Người ta cứ phải rình rang nhất trong khả năng chỉ để thông báo cho thiên hạ vốn không liên quan rằng hãy quan tâm vì nó miễn phí.

Thứ tứ, tôi chỉ mong mình được hỏa thiêu và tro từ cốt được rải ở bất cứ đâu thấy tiện, dễ dàng nhất có thể đổ vào cái bồn cầu nào gần đó trong bán kính không quá mười mét rồi cứ đơn giản là bấm nút xả nước. Tôi rất hy vọng sẽ không còn một dấu vết gì của tôi lưu luyến ở thế giới này.

Thứ ngũ, luật sư được tôi thuê sẽ chuyển tất cả những gì tôi tạo ra trong đời cho ngôi trường gần nhất chịu nhận quyên góp. Chắc cũng không có gì mấy, chủ yếu dăm ba cuốn sách văn học và khoa học, tiền bạc không quá mười triệu đồng — cả đời tôi chưa từng giữ hơn mười triệu đồng quá hai mươi bốn tiếng, quần áo cũ kỹ nhưng màu mè, nội thất linh tinh hy vọng sẽ hữu dụng và cả đống tài khoản trực tuyến mà tôi nghĩ đừng ai nên truy cập.


Bỗng một hôm nào đó tôi thấy nắng bớt chói hơn thường ngày, gió thoáng nhẹ cũng làm tôi giật gáy, tôi nghĩ đã gần tới lúc mình ngừng hấp thụ tài nguyên của đất mẹ, cũng là lúc tôi sẽ tách biệt dần khỏi xã hội loài người. Một khi sẵn sàng để biến mất — mà thật ra lúc nào tôi cũng háo hức để không còn tồn tại, tôi sẽ không còn ai bên cạnh để phải luyến lưu, tôi sẽ không còn ai bên cạnh để họ phải đau buồn.

Thật quý nếu ai đó đau buồn khi biết mình qua đời, nhưng cũng thật đau buồn cho tôi khi biết họ vì mình mà phải vậy. Tôi cảm thấy đời mình đã quá đủ đau buồn, chí ít giờ phút cuối tôi được vui vẻ nhất, tôi không muốn niềm đau nỗi buồn cứ bám víu mãi. Chẳng may có kiếp sau, tôi lại trở thành một đứa đau buồn nữa thì sao?

Năm năm sau, mười năm sau, có lẽ đến năm thứ mười ba sau khi tôi rời dương thế, một ai đó bỗng mở lại tấm hình cũ rồi giật mình thoáng qua, chỉ tay vào mặt tôi, tự hỏi tôi là ai, họ đã gặp tôi chưa, sao tôi trông quen với họ thế. Họ sẽ lướt qua ảnh tiếp theo, nếu chẳng may lại có mặt tôi, họ sẽ tự hỏi thêm một lần nữa, bằng không tôi sẽ được rơi vào cõi quên lãng ở chốn tốt đẹp.

Chốn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của xã hội loài người và hầu như công nghệ của nhân loại không thể tiếp cận được, tôi gặp nhiều người từng được biết và từng được gặp. Họ có vui không? Họ có buồn không? Tôi không để ý kịp, tôi lướt thật nhanh qua họ mà tiến tới vùng đất lãng quên, là nơi mà “phần hồn” của tôi — phần kết nối với những tâm trí cõi dương sẽ được xóa bỏ trọn vẹn.

Tôi hồi hộp và có chút lo lắng, nếu chẳng may có ai nhắc đến, chẳng may ai kia nhận ra tôi trong bức ảnh cũ, tôi phải quay lại và đặt mông xuống cái ghế gỗ ở ngoài công viên có cây xanh và hồ nước kia, phải làm quen với những người mình từng quen và hỏi thăm liệu họ có muốn được quên đi.

Đó, thấy làm phiền nhau chưa? Đến cuối cùng vẫn bị xiềng xích, vẫn phải giao tiếp với người không còn là người, vẫn không thể được tự do quyết định rằng mình muốn được nhớ hay muốn được quên. Khi không còn ai nhắc đến, tôi sẽ được giải phóng và cứ thế ung dung bước đi. Được quên sẽ là một quyền chính đáng sau lìa thế, được công nhận và được bảo vệ để thực hiện quyền.

Tôi không tin kiếp sau. Hết kiếp này, cơ thể tôi sẽ phân hủy thành từng tế bào nhỏ tẹo để phù hợp nhất với từng miệng ăn của mỗi loài vi khuẩn, linh hồn tôi cũng rã rời theo từng sợi thần kinh bị giật phăng khỏi nếp nhăn bộ óc. Nếu đã không có kiếp sau, nếu kiếp này đã thật trọn vẹn, thì hà cớ gì phải níu lại trong tâm trí một ai đó?

Khi tôi chết, vui lòng đừng có mà viếng thăm.

Khi chết cũng như khi sống, điều tối kỵ tôi luôn muốn tránh né đó là việc mình trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Thử nghĩ mà xem, vào ngày tôi đi lại là ngày tôi được bàn tán nhiều nhất — có lẽ là trong cả đời mình. Vậy sinh thời tôi đã quá nhạt nhòa tới nỗi người ta chỉ nhắc tới khi tôi không còn tồn tại sao?

Thứ nhất, tuyệt đối không có khách dù được mời hay tự đến. Những người xuất hiện tại đám ma – mà tôi cũng không gọi đó là đám ma, khả năng cao chỉ có luật sư tôi thuê từ trước để đảm bảo ước nguyện được thực hiện đúng mà cụ thể ở đây là xua đuổi bất cứ ai bén mảng đến gần, bên cạnh đó dĩ nhiên không thể thiếu dịch vụ mai táng để đặt tôi vào vùng an toàn sau cuối mà tôi không phải khó nhằn bước ra nữa.

Thứ nhị, tuyệt đối không một ai được biết rằng tôi vừa ngỏm, trừ những sự lì lợm và cố ý lan truyền thông tin mà tôi đã không còn kiểm soát được nữa. Ôi tôi lo xa vậy thôi, chứ khéo mười năm trước lúc lìa đời cũng chẳng còn ai biết tôi là ai. Nếu được như vậy thì quá tốt, tôi không muốn bất kỳ ai biết được tình trạng sinh tử của mình. Chuyện sống còn của một người, biết để làm gì chứ?

Thứ tam, tuyệt đối không có một âm thanh bất bình thường nào được phát ra, không có một sự kiện bất bình thường nào được diễn ra. Dĩ nhiên rồi, tôi đã không muốn ai biết mình tèo, thì kèn trống hay lẵng hoa để làm gì, để đánh động những con người hiếu kỳ trước sự mất mát của tôi phỏng? 

Điều thứ ba nghe hơi thừa vì nó đã được bao hàm ở hai điều trên, song tôi vẫn muốn liệt kê ra vì tôi cực kỳ chán ghét cái thói làm ồn ào của mọi đám tiệc tại xứ sở này. Người ta cứ phải rình rang nhất trong khả năng chỉ để thông báo cho thiên hạ vốn không liên quan rằng hãy quan tâm vì nó miễn phí.

Thứ tứ, tôi chỉ mong mình được hỏa thiêu và tro từ cốt được rải ở bất cứ đâu thấy tiện, dễ dàng nhất có thể đổ vào cái bồn cầu nào gần đó trong bán kính không quá mười mét rồi cứ đơn giản là bấm nút xả nước. Tôi rất hy vọng sẽ không còn một dấu vết gì của tôi lưu luyến ở thế giới này.

Thứ ngũ, luật sư được tôi thuê sẽ chuyển tất cả những gì tôi tạo ra trong đời cho ngôi trường gần nhất chịu nhận quyên góp. Chắc cũng không có gì mấy, chủ yếu dăm ba cuốn sách văn học và khoa học, tiền bạc không quá mười triệu đồng — cả đời tôi chưa từng giữ hơn mười triệu đồng quá hai mươi bốn tiếng, quần áo cũ kỹ nhưng màu mè, nội thất linh tinh hy vọng sẽ hữu dụng và cả đống tài khoản trực tuyến mà tôi nghĩ đừng ai nên truy cập.


Bỗng một hôm nào đó tôi thấy nắng bớt chói hơn thường ngày, gió thoáng nhẹ cũng làm tôi giật gáy, tôi nghĩ đã gần tới lúc mình ngừng hấp thụ tài nguyên của đất mẹ, cũng là lúc tôi sẽ tách biệt dần khỏi xã hội loài người. Một khi sẵn sàng để biến mất — mà thật ra lúc nào tôi cũng háo hức để không còn tồn tại, tôi sẽ không còn ai bên cạnh để phải luyến lưu, tôi sẽ không còn ai bên cạnh để họ phải đau buồn.

Thật quý nếu ai đó đau buồn khi biết mình qua đời, nhưng cũng thật đau buồn cho tôi khi biết họ vì mình mà phải vậy. Tôi cảm thấy đời mình đã quá đủ đau buồn, chí ít giờ phút cuối tôi được vui vẻ nhất, tôi không muốn niềm đau nỗi buồn cứ bám víu mãi. Chẳng may có kiếp sau, tôi lại trở thành một đứa đau buồn nữa thì sao?

Năm năm sau, mười năm sau, có lẽ đến năm thứ mười ba sau khi tôi rời dương thế, một ai đó bỗng mở lại tấm hình cũ rồi giật mình thoáng qua, chỉ tay vào mặt tôi, tự hỏi tôi là ai, họ đã gặp tôi chưa, sao tôi trông quen với họ thế. Họ sẽ lướt qua ảnh tiếp theo, nếu chẳng may lại có mặt tôi, họ sẽ tự hỏi thêm một lần nữa, bằng không tôi sẽ được rơi vào cõi quên lãng ở chốn tốt đẹp.

Chốn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của xã hội loài người và hầu như công nghệ của nhân loại không thể tiếp cận được, tôi gặp nhiều người từng được biết và từng được gặp. Họ có vui không? Họ có buồn không? Tôi không để ý kịp, tôi lướt thật nhanh qua họ mà tiến tới vùng đất lãng quên, là nơi mà “phần hồn” của tôi — phần kết nối với những tâm trí cõi dương sẽ được xóa bỏ trọn vẹn.

Tôi hồi hộp và có chút lo lắng, nếu chẳng may có ai nhắc đến, chẳng may ai kia nhận ra tôi trong bức ảnh cũ, tôi phải quay lại và đặt mông xuống cái ghế gỗ ở ngoài công viên có cây xanh và hồ nước kia, phải làm quen với những người mình từng quen và hỏi thăm liệu họ có muốn được quên đi.

Đó, thấy làm phiền nhau chưa? Đến cuối cùng vẫn bị xiềng xích, vẫn phải giao tiếp với người không còn là người, vẫn không thể được tự do quyết định rằng mình muốn được nhớ hay muốn được quên. Khi không còn ai nhắc đến, tôi sẽ được giải phóng và cứ thế ung dung bước đi. Được quên sẽ là một quyền chính đáng sau lìa thế, được công nhận và được bảo vệ để thực hiện quyền.

Tôi không tin kiếp sau. Hết kiếp này, cơ thể tôi sẽ phân hủy thành từng tế bào nhỏ tẹo để phù hợp nhất với từng miệng ăn của mỗi loài vi khuẩn, linh hồn tôi cũng rã rời theo từng sợi thần kinh bị giật phăng khỏi nếp nhăn bộ óc. Nếu đã không có kiếp sau, nếu kiếp này đã thật trọn vẹn, thì hà cớ gì phải níu lại trong tâm trí một ai đó?