Tổng thống kiêm bộ trưởng
Thành viên của Hội đồng Liên bang sẽ được Quốc hội Liên bang bầu ra. Họ là 7 bộ trưởng, giữ nhiệm kỳ 4 năm nhưng không giới hạn số nhiệm kỳ.
Trung bình, một thành viên của hội đồng sẽ giữ chức trong khoảng 10 năm. Cố Tổng thống Karl Schenk giữ chức này lâu nhất với 8 nhiệm kỳ (1863–1895).
Quốc hội Liên bang cũng sẽ bầu Tổng thống và Phó Tổng thống từ một trong bảy người này, nhiệm kỳ kéo dài 1 năm bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 hằng năm. Thường thì phó tổng thống năm nay sẽ trở thành tổng thống năm sau.
Hiến pháp Thụy Sĩ không quy định tổng thống là người đứng đầu nhà nước, mà là Hội đồng Liên bang. Do vậy, khi công du nước ngoài hoặc tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế cần sự có mặt của một cá nhân đứng đầu nhà nước, tổng thống sẽ giữ vai trò đó đồng thời kiêm luôn vai trò bộ trưởng bộ của mình.
Cũng theo luật, Thụy Sĩ sẽ không có nguyên thủ thăm cấp nhà nước tới nước khác và ngược lại. Tuy nhiên trong thực tế, tổng thống đương nhiệm của năm đó sẽ làm việc này.
Tháng 5 năm 2022, Tổng thống Ignazio Cassis đã đến Vatican để gặp Giáo hoàng Francis và dự lễ tuyên thệ của Đội Cận vệ Thụy Sĩ mới cho Giáo hoàng. Ông Ignazio Cassis cũng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, do đó trong chuyến thăm này ông còn tham gia khánh thành đại sứ quán đầu tiên của Thụy Sĩ tại Tòa Thánh.
Trước đó vào tháng 11 năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Thụy Sĩ và được Tổng thống Guy Parmelin chủ trì lễ đón tiếp. Ông Guy Parmelin và Ignazio Cassis cùng là thành viên của Hội đồng Liên bang nhiệm kỳ 2020–2024.
Thụy Sĩ dù nổi tiếng với sự ổn định về chính trị, nhưng tổng thống nước này lại được thay đổi liên tục qua từng năm, gây nên một số khó khăn nhất định mà đặc biệt là đối ngoại với các nước trên thế giới. Đã có nhiều đề xuất nâng số thành viên hội đồng lên 9, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống thành 2 năm, nhưng vấp phải tranh cãi và chưa được thông qua.
Lập pháp bầu ra Hành pháp
Thụy Sĩ là nước cộng hòa liên bang dân chủ bán trực tiếp với 3 nhánh quyền lực. Nhánh lập pháp gồm Hội đồng Nhà nước (thượng viện) và Hội đồng Quốc gia (hạ viện), cùng nhau tạo thành Quốc hội Liên bang. Nhánh hành pháp là Hội đồng Liên bang mà ở đó có tổng thống, phó tổng thống cùng 5 thành viên còn lại. Nhánh tư pháp do Tòa án Tối cao Liên bang Thụy Sĩ đứng đầu.
Cứ mỗi 4 năm, cả thượng viện và hạ viện sẽ ngồi lại cùng nhau, tạo thành Quốc hội Liên bang Thống nhất để bầu ra Hội đồng Liên bang. Quốc hội cũng bầu ra các thẩm phán của Tòa án Tối cao và Thủ tướng Liên bang (Thủ tướng Liên bang đóng vai trò tham mưu chung cho Hội đồng Liên bang).
Theo luật, bất cứ công dân Thụy Sĩ nào cũng được quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ thành viên của nghị viện, các chính quyền của các bang hoặc một số người đại diện ở các đảng chính trị mới được bỏ phiếu.
Bầu cử chọn từng người trong hội đồng theo hình thức bỏ phiếu kín qua nhiều vòng. Hai vòng đầu tiên, ai cũng có quyền được tự ghi tên mình; các vòng tiếp theo ai nhận ít phiếu bầu nhất sẽ bị loại, cho tới khi một ứng cử viên đạt được đa số tuyệt đối, tức là nhiều số phiếu nhất và đảm bảo số phiếu tối thiểu.
Trong những cuộc bầu cử, các đảng chính trị thường sẽ giới thiệu 2 người trong đảng của mình cho quốc hội và sau đó quốc hội sẽ chọn ra 1 người vào ghế hội đồng.
Khi được bầu vào hội đồng, các thành viên hội đồng được tiếp tục tham gia với đảng chính trị của họ nhưng không giữ vai trò lãnh đạo đảng. Trong thực tế, họ cũng chọn giữ khoảng cách với đảng của mình vì trong nhiều trường hợp quyết định của hội đồng sẽ đi ngược lại ý muốn của đảng của họ.
Công khai đưa ra quyết định
7 thành viên của Hội đồng Liên bang cũng là 7 bộ trưởng. Thành viên của hội đồng không chỉ thực hiện công việc của người đứng đầu nhà nước, chính quyền, mà còn làm việc của bộ mà mình nắm giữ. Không chỉ vậy, họ cũng phải biết và chịu trách nhiệm ít hay nhiều với công việc của những bộ khác mà thành viên khác trong hội đồng đang nắm giữ.
Thực tế hơn, trước khi có một đề xuất gì đó được đưa ra để hội đồng xem và duyệt, người đề xuất phải gửi trước cho các thành viên còn lại xem, đây được gọi là thủ tục Đồng báo cáo (Mitberichtsverfahren/Procédure de co-rapport), nhằm giúp các thành viên có được sự chuẩn bị và sự đồng thuận ở một mức độ trước khi công việc được đưa ra công khai.
Đối với các đề xuất quan trọng, hội đồng sẽ mời đại diện chính quyền các bang, các đảng phái chính trị, thậm chí là các nhóm lợi ích có liên quan, doanh nghiệp hoặc bất cứ nhóm người dân nào,… cùng tham gia để biểu quyết. Việc này nhằm tránh những mâu thuẫn về sau, khiến dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc.
Vì các thành viên hội đồng đến từ các đảng phái chính trị khác nhau, do đó quan điểm của họ cũng không giống nhau. Thành viên hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, nghĩa là không được chỉ trích lẫn nhau dù họ đều là đối thủ chính trị của nhau. Thành viên hội đồng sẽ công khai ủng hộ các quyết định của hội đồng khi được đưa ra, dù quan điểm cá nhân và của đảng của họ đi ngược lại.
Mặc dù tổng thống sẽ là người đọc diễn văn chúc mừng năm mới, thực hiện nhiều công việc không khác gì người đứng đầu nhà nước, nhưng tổng thống không có quyền lực cao hơn (hay thấp hơn) 6 người còn lại trong hội đồng.
Tự thuê nhà bằng tiền túi
Theo luật định, 7 thành viên của hội đồng không được cấp nhà để ở như nguyên thủ nhiều quốc gia khác, mặc dù trong thực tế Cung điện Liên bang ở Bern có sẵn căn hộ cho họ. Tuy nhiên, họ cũng chọn tự bỏ tiền túi để thuê hoặc mua nhà riêng. Dinh thự ở cung điện sẽ được dùng để đón khách.
Trong các sự kiện, thành viên hội đồng được bảo vệ bởi lực lượng an ninh của quân đội. Thế nhưng chuyện gặp 7 người của hội đồng đi ăn uống, chạy bộ trên đường phố không phải là hiếm. Họ cũng nhận được một số đặc quyền như hợp đồng điện thoại miễn phí, tài xế riêng, máy bay và trực thăng riêng cho các chuyến công tác.
Bất cứ thành viên hội đồng nào giữ nhiệm kỳ 4 năm, khi về hưu sẽ nhận lương hưu bằng một nửa với mức lương của thành viên hội đồng hiện tại. Hiện nay mức này là 445.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 10,9 tỷ đồng Việt Nam) cho mỗi năm, và kèm theo 30.000 franc (khoảng 730 triệu đồng) tiền sinh hoạt mỗi năm.
Nếu thành viên về hưu chọn kinh doanh để kiếm tiền, số tiền họ kiếm được cộng với tiền lương hưu không được vượt quá lương của các thành viên đương nhiệm. Nếu không, lương hưu sẽ được giảm trừ tương ứng.
Theo lý thuyết, thành viên của Hội đồng Liên bang có thể giữ chức đến suốt đời, hoặc đến bất cứ khi nào muốn ngừng lại, nếu được tái cử sau mỗi 4 năm. Các thành viên của hội đồng sẽ không bị luận tội, không bị bỏ phiếu miễn nhiệm nếu có đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Từ năm 1848 đến nay, chỉ có 4 người không được tái cử vào hội đồng, tức là bất cứ ai cũng từng làm ít nhất 2 nhiệm kỳ.
Từng có đến 4 phụ nữ trong hội đồng
Ngày 1 tháng 11 năm 2010, bà Simonetta Sommaruga được bầu vào Hội đồng Liên bang, giúp cơ quan này cùng lúc có đến 4 phụ nữ đương nhiệm và là lần đầu tiên nữ giới chiếm đa số tại hội đồng. 3 người còn lại là Micheline Calmy-Rey, Eveline Widmer-Schlumpf và Doris Leuthard. Bà vẫn ở hội đồng từ đó cho đến nay.
Hiện tại, nhiệm kỳ hội đồng 2020–2024 có 3 nữ thành viên. Bên cạnh bà Simonetta Sommaruga được nhắc đến ở trên, còn có bà Viola Amherd và bà Karin Keller-Sutter được bầu vào từ nhiệm kỳ này.
Sau 136 năm kể từ hội đồng đầu tiên, năm 1984 bà Elisabeth Kopp mới trở thành phụ nữ đầu tiên tham gia vào hội đồng. 13 năm trước đó, vào năm 1971, Thụy Sĩ chính thức công nhận quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ.
Từ đó đến nay, còn có bà Ruth Dreifuss (1993–2002, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Thụy Sĩ vào năm 1999), bà Ruth Metzler-Arnold (1999–2003), bà Micheline Calmy-Rey (2003–2011, tổng thống Thụy Sĩ năm 2007 và 2011), bà Eveline Widmer-Schlumpf (2007–2015, tổng thống Thụy Sĩ năm 2012), bà Doris Leuthard (2006–2018, tổng thống Thụy Sĩ năm 2010 và 2017). Tổng cộng có 9 phụ nữ từng giữ chức vụ này.
Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức, là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Các thành viên của hội đồng được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nhưng phần lớn họ vẫn dùng tiếng Pháp và tiếng Đức, phần lớn chính trị gia hiểu và nói được hai tiếng này. Tiếng Ý mặc dù ít được sử dụng hơn, song người nói tiếng Ý vẫn hiểu được tiếng Pháp và tiếng Đức.
Tiếng Romansh kể từ năm 1938 được hiến pháp quy định là “ngôn ngữ quốc gia” thay vì “ngôn ngữ chính thức”. Do vậy, tiếng này không còn được nói nhiều ở cấp liên bang, nếu có sẽ được dịch trực tiếp sang 3 tiếng kia, người nói tiếng Romansh cũng nói được tiếng Đức, dẫn đến một thực tế là ngôn ngữ này đang bị đe dọa.
Quy tắc 5:2 là một luật bất thành văn trong cơ cấu của hội đồng. Theo quy tắc ngầm này, sẽ luôn có 2 người Thụy Sĩ Latin (Latin Switzerland), một khái niệm chỉ người nói tiếng Pháp và Ý tại nước này.
Trong Hội đồng Liên bang, cùng lúc không thể có 2 hoặc nhiều người đến từ một bang, quy định này nhằm ngăn các bang lớn gây ảnh hưởng chính trị. Xuất thân của một thành viên hội đồng có thể là nơi sinh hoặc nơi mà họ cư trú, nơi gắn bó lâu dài, nơi ở cuối cùng trước khi tham gia ứng cử. ✦
Nguồn tham khảo
• Federal Council elections since 1848.
• Women in the Federal Council.
• Regions in the Federal Council since 1848.
• Swiss president visits the Vatican to meet the Pope and attend swearing-in of Swiss Guard.
https://www.admin.ch/gov/en/start/documentation/media-releases.msg-id-88310.html
• Tổng thống Thụy Sỹ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
• Is there such a thing as ‘Latin Switzerland’?
https://www.swissinfo.ch/eng/business/politics_is-there-such-a-thing-as–latin-switzerland–/43948180
• Arbeitssprachen (tiếng Đức, ngôn ngữ làm việc trong hội đồng)
https://de.wikipedia.org/wiki/Nationalrat_(Schweiz)#Arbeitssprachen
• Ảnh chính thức các Hội đồng Liên bang qua từng năm, từ năm 1993.