• Từ London đến Nữu Ước.

    London và New York là hai thành phố lớn, lớn tới độ người Việt có hàng tá tên gọi cho chúng.

    Miền Nam và miền Bắc có nhiều cách gọi tên khác nhau cho chúng (cũng như nhiều nơi khác), giúp dẫn tới hiện tượng này.

    Cách thứ nhất, nếu ta lấy tên theo âm Hán Việt, tức là đọc theo cách người Hán gọi tên các thành phố, ta có Luân Đôn (伦敦) và Nữu Ước (纽约). Tên Luân Đôn thì ai cũng biết rồi, nghe có vẻ sang nữa, nhưng Nữu Ước thì ít được gọi, hơi khó đọc và lạ lẫm, chủ yếu dùng ở miền Nam trước năm 1975.

    Cách thứ hai, đó là lấy tên theo phiên âm tiếng Anh của tên thành phố, New York sẽ là Niu-ióc. Tuy nhiên, London không ai đọc là Lênh-đênh hay Linh-đình cả, mà thật ra London phiên âm tiếng Anh cũng khá giống Luân Đôn (nhỉ?).

    Vậy còn thủ đô của Liên bang Nga thì sao? Trong tiếng Anh, thành phố này có tên Moscow nhưng chuyển tự tiếng Nga thì là Moskva (Москва). Vậy có hơi trêu chọc nhau không khi mà ta lại đọc tên tiếng Anh cho thành phố của Nga.

    Đối với ca này, chúng ta có Mát-xcơ-va đọc theo các đồng chí Sô Viết, Mạc Tư Khoa từ anh em láng giềng Hán và thậm chí Mót-xcô từ Anh (chắc là vậy?). Hay ho thay, đây là trường hợp hiếm hoi người Việt đọc bằng mồm theo người Nga, nhưng viết cùng lúc cả ba kiểu.

    Nếu đặt trong cùng một câu, ta sẽ có những trường hợp:

    Khu bưu chính nhắn, anh có thư gởi từ Mạc Tư Khoa, tiền cước mắc hơn Luân Đôn luôn.

    Cán bộ bưu điện gửi thư cho đồng chí đây, hẳn từ Mát-xcơ-va, thảo nào đắt khiếp, hơn cả Luân Đôn nữa.

    Nghe hơi ba rọi, dĩ nhiên rồi, vì tôi đâu có sống vào thời chiến tranh đâu mà nhái giọng cho chuẩn được. Ý tôi là, do hệ thống phiên âm trong tiếng Việt không nhất quán, nên tùy theo sự phổ biến của tên gọi một thành phố mà ta ứng biến thôi. Chắc là không sao cả nếu Pa-ri, Niu Di-lân nằm chung với Hoa Thịnh Đốn, Hương Cảng.

    Cách thứ hai này còn dẫn đến một tình trạng mà nếu nói theo kiểu nâng cao quan điểm thì đó là sự độc quyền của tiếng Anh, nâng thêm nữa thì e rằng có thể hủy diệt những ngôn ngữ không phải tiếng Anh (dĩ nhiên là không đâu, trời ơi). Chẳng hạn, thủ đô của Ba Lan là Warszawa và trong tiếng Anh là Warsaw, một thành phố của Đức là München và trong tiếng Anh là Munich.

    Ở một diễn biến khác, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên/Hàn Quốc là những quốc gia sử dụng Hán tự trong ngôn ngữ của mình. Hầu hết tên riêng của người, địa danh ở các nước đều được ghi bằng chữ Hán.

    Nói như vậy nghĩa là người Việt có thể đọc tên người, địa danh của Nhật, Hàn bằng âm Hán Việt. Lấy thí dụ, thành phố Tōkyō của Nhật Bản có Hán tự là Đông Kinh (東京), nghĩa là kinh đô phía đông. Ta không nói Đông Kinh, ta nói Tô-ki-ô.

    Tương tự với Seoul (서울), trước năm 2005 thành phố này có tên Hán tự là Hán Thành (漢城), giờ là Thủ Nhĩ (首爾). Ta gọi thủ đô Hàn Quốc là Xơ-un.

    Bên cạnh đó, tuy cùng nằm trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng ta gọi Pyongyang (평양) theo âm Hán. Ta gọi là Bình Nhưỡng (平壤), nghĩa là vùng đất bằng phẳng.

    Một điều thú vị là ba đời lãnh đạo tối cao của Triều Tiên trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau của Việt Nam, dẫn đến việc chúng ta gọi vị đầu tiên là Kim Nhật Thành (金日成) thay vì Kim Il-sung (김일성), nhưng vị thứ nhì là Kim Jong-il (김정일) thay vì Kim Chính Nhật (金正日) và vị đương nhiệm là Kim Jong-un (김정은) thay vì Kim Chính Ân (金正恩).

    Vậy là “Trong một diễn biến mới nhất, Chủ tịch Kim Jong-un/Kim Châng Ưn từ Bình Nhưỡng đe dọa tấn công vũ lực với Seoul/Xơ-un, khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Washington/Oa-sinh-tơn/Hoa Thịnh Đốn hiện chưa đưa ra bình luận về sự việc này.”

    Cũng tương tự với Nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan là Thái Anh Văn (蔡英文/Tsai Ing-wen), Tổng thống Đại Hàn là Yoon Suk Yeol (윤석열/尹錫悅/Doãn Tích Duyệt) hay Thủ tướng Nhật Bản là Kishida Fumio (岸田 文雄/きしだ ふみお/Ngạn Điền Văn Hùng) – cập nhật đương nhiệm lần cuối vào 5/2023.

    Tiếng Việt dùng cùng lúc nhiều cách phiên âm gây cồng kềnh và không nhất quán, tuy nhiên về mặt tích cực mà nói, ta có thêm từ để sử dụng, giúp tránh lặp từ trong câu (đó là nếu bạn muốn dùng).