Muskaan (tên nhân vật đã được thay đổi) đang bước đi quanh nhà trong lễ cưới của chính mình. Với sự thúc giục từ cha, cô bé 14 tuổi phải rời bỏ trường học mà tiến đến kết hôn với người đàn ông lớn tuổi hơn mình rất nhiều.
Tràn ngập trong không gian là những mùi hương và màu sắc, bột nghệ vàng đậm được bôi lên tay và mặt, dải chu sa đỏ choàng qua mái tóc, một đám cưới sắp sửa diễn ra.
Ở đâu đó tại đất nước Ấn Độ, cô dâu trong các lễ cưới còn quá nhỏ để hiểu được hôn nhân là gì, họ chỉ đủ lớn để nhận thức được những thứ vật phẩm đầy màu sắc rực rỡ và nồng nàn những mùi hương đang được đính lên người.
Nhiếp ảnh gia Khandelwal thực hiện bộ ảnh này sinh ra ở Lucknow, một thành phố miền Bắc Ấn Độ, là thủ phủ của bang Uttar Pradesh.
Lớn lên, cô và bạn bè của mình nhận ra rằng hôn nhân ở tuổi vị thành niên đang xảy ra rất nhiều ở Ấn Độ, chỉ có điều không phải ai cũng xem đây là một vấn đề. Ở nơi cách biên giới Nepal khoảng 190 km, những cô bé trên 8 tuổi được gả đi bởi chính cha mẹ mình.
Năm 2015, Khandelwal bắt đầu cuộc hành trình từ New Delhi trở về quê nhà Uttar Pradesh, nơi có công trình Taj Mahal nổi tiếng, để ghi lại hình ảnh những cô dâu nhỏ tuổi.
Về luật mà nói, hôn nhân trẻ em là bất hợp pháp tại Ấn Độ. Một đạo luật được thông qua vào năm 1929, chính phủ đã thông qua lệnh cấm và một luật sửa đổi được đưa ra vào năm 2006. Tuy nhiên, những cô gái dưới 18 tuổi và những chàng trai không quá 21 tuổi vẫn có thể kết hôn với nhau.
Mặc dù tỷ lệ hôn nhân ở trẻ em đã sụt giảm trong thập niên vừa qua, nhưng số lượng cô dâu dưới tuổi hợp pháp ở Ấn Độ vẫn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo tổ chức Girls Not Brides, có 25% nữ giới dưới 18 tuổi ở Ấn Độ đã kết hôn.
Khi Khandelwal quyết định thực hiện bộ ảnh này, cô nghĩ đàn ông gia trưởng trong nhà và phong tục cổ hủ đã đẩy những cô gái phải kết hôn dưới tuổi. Nhưng thực tế, nữ phóng viên ảnh đã nhận ra chính sự nghèo đói, thiếu giáo dục đã gây nên bi kịch này.
Ở Shravasti, Khandelwal hỏi chuyện một người mẹ có con gái kết hôn ở tuổi vị thành niên, mà chính bà cũng đã trải qua hoàn cảnh như vậy, rằng: “Tại sao chị lại để con gái mình bước vào chính con đường mà mình đã đi qua?”
Người phụ nữ này cho biết, bà thật sự không muốn như vậy, nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Chồng của bà là một người lao động tay chân, bà cùng các con đi nhặt gỗ rồi chặt củi mà bán. Họ sống chật vật ngày qua ngày, nên tốt hơn hết là gả các con đi trước khi mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
“Nếu bất chợt một cơn lũ kéo đến cuối trôi ngôi nhà này vào ngày mai, thì tôi sẽ chẳng còn gì để làm của hồi môn cho con gái mình tại lễ cưới của nó,” bà nói.
Khandelwal còn nhận thấy nhiều gia đình xem con gái của họ là người trả nợ cho cả nhà. Cô đã tìm đến Muskaan (tên nhân vật đã được thay đổi), một cô gái ngoan hiền với hai chị em gái, và thường xuyên lui đến để tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của họ.
“Một gia đình có ba cô con gái thì gia đình đó sẽ được trả của hồi môn ba lần, số tiền nhận được sẽ cao hơn gấp ba lần. Nhiều gia đình kiên nhẫn chờ đợi con gái họ học xong chương trình trung học phổ cập rồi mới gả đi, nhưng cha của Muskaan đã cho cô nghỉ học ngay lập tức khi có người đề nghị việc cưới hỏi. Kể từ đó, cô gái này chỉ quanh quẩn trong nhà để học cách nấu ăn và chăm sóc người bên nhà chồng,” Khandelwal cho biết.
Ngay sau khi lễ cưới được diễn ra, Khandelwal đã đến thăm Muskaan để tìm hiểu về cảm xúc của cô dâu trẻ. “Những gì cô ta nói đều chứa đầy nỗi thất vọng. Cô bé nói rằng, ‘Đây đâu phải là điều đáng chờ đợi để cảm nhận? Nó là điều sẽ và phải xảy ra.’ Câu trả lời cho thấy những cô gái đáng thương bất lực và tuyệt vọng đến thế nào. Họ thậm chí không biết rằng, phụ nữ còn có quyền có một nghề nghiệp.”
Rất nhiều cô dâu trẻ cảm thấy cô độc sau hôn nhân. Chẳng có công việc nào ở những ngôi làng nhỏ này, vì vậy người chồng thường đến các thành phố lớn để đi làm và kiếm tiền. Để lại người vợ mới cưới bất hợp pháp và những chuyện vợ chồng qua cuộc gọi điện thoại.
Bạn sẽ mong chờ điều gì khi một đứa trẻ 15 tuổi chưa hiểu về hôn nhân phải quán xuyến những công việc trong một gia đình mới? Họ không được giáo dục, và cách dạy con của họ cũng không hề khoa học. Họ không có tiền và còn quá nhỏ để hạ sinh một đứa con. Tiếp nối sau đó là một vòng lẩn quẩn. Liệu thế hệ tiếp theo có thoát ra được khỏi điều này?
Sau hai năm rưỡi chụp ảnh những cô dâu trẻ tuổi ở Shravasti, Khandelwal đã chứng kiến được nhiều vụ cưỡng ép hôn nhân diễn ra khắp nơi trên đất nước này, mà thậm chí là ở vùng đô thị New Delhi.
Cô lại tiếp tục cuộc hành trình biến ống kính thành thứ vũ khí giúp giảm đi tình trạng này trên cả nước.
Nhiếp ảnh gia: Saumya Khandelwal.
Tác giả bài viết: Nina Schochlic.
Bài viết được đăng trên National Geographic.
Bài dịch bởi Quang Niên.